Cảnh báo nguy cơ rửa tiền thông qua tiền mã hóa, tài sản số
20/09/2023 lúc 18:59 (GMT)

Cảnh báo nguy cơ rửa tiền thông qua tiền mã hóa, tài sản số

Cảnh báo nguy cơ rửa tiền thông qua tiền mã hóa, tài sản số

Tại hội nghị sáng ngày 20/9, các chuyên gia ngân hàng và công nghệ đã đưa ra cảnh báo Việt Nam sẽ phải đối diện với tội phạm tài chính, rửa tiền với nhiều chiêu thức, hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa (tiền ảo).

Ngày 20/9/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”, nhằm triển khai các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đến các tổ chức tín dụng hội viên, đồng thời khuyến cáo nguy cơ rửa tiền trong các giao dịch tiền mã hoá, tài sản số.

Tham dự hội nghị, về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký;

Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam có ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực, Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch;

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Ông Phan Thái Dũng - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Bà Vũ Ngọc Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam);

Về phía đại diện VKSND tối cao, có ông Mai Khắc Biên - Phó Vụ trưởng, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2); Ông Hoàng Minh Tiến - Cục trưởng Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin (Cục 2);

Cùng các đại biểu gồm TS. Phan Văn Ngọc - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về Hành chính - Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội; Ông Ngô Đức Thắng - Cục trưởng Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Ban Cơ yếu Chính phủ; Ông Đỗ Hùng Cường - Vụ trưởng Vụ Trung ương I, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; ông Bùi Văn Bát, nguyên Trưởng ban Thi đua khen thưởng Trung ương và khoảng hơn 300 đại diện đến từ các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

rửa tiền
TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Tích cực triển khai các quy định về phòng, chống rửa tiền

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Quá trình xây dựng Luật, Nghị định và Thông tư, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị soạn thảo đặc biệt là Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) để tham gia góp ý, tổ chức hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Trong đó, nhiều tổ chức quốc tế đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tọa đàm, hội thảo với nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống rửa tiền, và đặc biệt các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân rất quan tâm, vì vậy có buổi hội thảo (cả trực tiếp và trực tuyến) lên đến hơn 1000 người tham dự, điều đó chứng tỏ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến phòng, chống rửa tiền.

Trên cơ sở đó Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổng hợp ý kiến góp ý về dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư về phòng, chống rửa tiền, với nhiều ý kiến đã được tiếp thu và sửa đổi. Do đó, Luật, Nghị định, Thông tư được ban hành có nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn để các tổ chức, cá nhân liên quan thực thi có hiệu quả.

Trước đó, ngày 28/06/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền tổ chức hội thảo với chủ đề  “Rủi ro tội phạm tài chính/rửa tiền mà các tổ chức tín dụng đối mặt và chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm triển khai” với thành phần là các tổ chức hội viên để trao đổi thẳng thắn những hành vi gian lận, rửa tiền, khó khăn của ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong phòng, chống rửa tiền và đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả cao nhất trong việc phòng và chống rửa tiền trên cơ sở tuân thủ theo qui định pháp luật được ban hành và theo thông lệ quốc tế.

Như vậy, có thể thấy trước, trong, sau khi ban hành Luật, Nghị định Thông tư về phòng, chống rửa tiền, Hiệp hội Ngân hàng, các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi thảo luận, tọa đàm, góp ý dưới nhiều hình thức với mục đích các quy định pháp luật ban hành được thực thi một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ. Đặc biệt, những năm gần đây tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán cho nên không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này.

Vì vậy, TS. Nguyễn Quốc Hùng mong muốn hội nghị sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trao đổi và cập nhật nhiều thông tin hữu ích, để triển khai hoạt động phòng, chống rửa tiền hiệu quả.

Cảnh báo nguy cơ tội phạm tài chính, rửa tiền qua tiền mã hóa, tài sản số

Trình bày tại hội nghị, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác.

rửa tiền
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Trong đó, báo cáo của Grand View Research dự đoán thị trường công nghệ chuỗi khối toàn cầu sẽ đạt giá trị hơn 1.400 tỷ USD vào năm 2030 với Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là gần 86%/năm trong giai đoạn 2022 - 2030.

Ông Nguyễn Đoan Hùng cho biết, với sự tăng trưởng như vậy sẽ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội nhưng cũng tạo ra các thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

“Đặc biệt, rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện. Vì vậy, công tác phòng chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm", ông Nguyễn Đoan Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đoan Hùng, công nghệ blockchain ra đời, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm tài chính, rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và tốc độ nhanh chóng thì phần lớn các quốc gia đều chưa có hành lang pháp lý theo kịp sự thay đổi này.

Hiện chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain như Liên minh châu Âu (EU) với đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA). Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024, MiCA mới chính thức có hiệu lực.

Trong đó, Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cũng ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tuân thủ pháp lý và an toàn cho người dùng đồng thời thực hiện nghĩa vụ AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố).

Đối với Việt Nam, ông Nguyễn Đoan Hùng cho biết, do chưa có khung pháp lý, quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước vẫn còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.

Theo ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain, tại Việt Nam, tiền mã hóa đang có khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

rửa tiền
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ 1/10/2021 - 1/10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.

Ông Trung lưu ý, chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này cùng với sự thiếu hụt về hành lang quản lý, các công nghệ hiện đại cũng đứng trước nguy cơ bị giới tội phạm lợi dụng vào những mục đích bất chính để thu lợi cá nhân như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng...

Bên đó, thì tội phạm rửa tiền truyền thống ở trong nước cũng sẽ tìm đến thị trường đầy tiềm năng này do không bị ràng buộc pháp lý. Đặc biệt, Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách “xám” các nước cần tăng cường AML. Đây là danh sách "xám" các nước cần được giám sát chặt chẽ của FATF gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman...

Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền - FATF (Financial Action Task Force) cho biết, sẽ hoạt động để đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tài chính, quản lý tài sản số và tăng cường hợp tác quốc tế chống rửa tiền. Vì vậy, có thể nói rằng AML trong lĩnh vực tiền mã hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các tổ chức tín dụng cũng đã có nhiều chia sẻ và thảo luận nhằm thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH-15, quy tắc chống rửa tiền AML/CFT của FAFT cũng như các tổ chức quốc tế. Đồng thời, cam kết sẽ cùng các tổ chức tín dụng chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong lĩnh vực Phòng, chống rửa tiền.

rửa tiền
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng các chuyên gia thảo luận, trả lời câu hỏi của các đại biểu về phòng chống rửa tiền

Hội thảo đã đưa ra 3 khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tài sản số như: Một là, nhận diện tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam đã công nhận; Hai là, các định chế tài chính cần xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản số đối với các giao dịch qua tài khoản cá nhân; Ba là, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.

Giới thiệu công cụ theo dõi hoạt động rửa tiền

Từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong bốn chương trình trọng điểm, hợp tác với Công ty doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo, được thành lập bởi ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC).

Chia sẻ về dự án ChainTracer tại Hội nghị, ông Ngô Minh Hiếu cho biết, dự án mang đến nguồn dữ liệu đáng tin cậy về các hoạt động lừa đảo toàn cầu được chia sẻ sau các quá trình truy vết dựa trên các báo cáo của nạn nhân.

Với sứ mệnh phản đối và ngăn chặn những hành vi lạm dụng công nghệ blockchain để tiến hành lừa đảo, đặc biệt là trong thế giới của tài sản mã hoá và tài sản số, chúng tôi nỗ lực hỗ trợ cộng đồng trong khi môi trường pháp lý đang trong quá trình hoàn thiện.

ChainTracer trang bị cho người dùng kiến thức và công cụ cần thiết để bảo vệ danh mục đầu tư của họ và phát triển trong hệ sinh thái Web3.

"ChaintTracer không chỉ là một dự án; đó là một cam kết xây dựng mạng internet phi tập trung an toàn, bảo mật hơn", ông Ngô Minh Hiếu khẳng định.

 

Bài:Ngọc Anh – Thành Đức
Ảnh: Đức Tuấn